Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cận kề, những ngày này không khí mua sắm hàng hóa phục vụ Tết đã sôi động. Hiện tại, hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ... trong tỉnh rất dồi dào, đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã và không có hiện tượng tăng giá đột biến.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại Siêu thị The City (Yên Mỹ)
Tại Siêu thị BRG Mart Phố Nối, xã Nghĩa Hiệp (Yên Mỹ), sức mua đang tăng mạnh nhờ các sản phẩm phục vụ Tết như: Bánh, kẹo, mứt, rượu, bia và các mặt hàng thực phẩm đang áp dụng các chương trình khuyến mãi. Năm nay, giá cả các mặt hàng tại siêu thị mức ổn định so với năm ngoái. Anh Phạm Hữu Thắng, Giám đốc Siêu thị BRG Mart Phố Nối cho biết: Từ tháng 12/2023, trên cơ sở khảo sát nhu cầu thị trường, siêu thị đã chi khoảng 20 tỷ đồng để nhập, dự trữ các mặt hàng thiết yếu như: Thực phẩm, đồ gia dụng, hàng điện tử... phục vụ người dân mua sắm dịp Tết (tăng gấp 4 – 5 lần so với ngày thường), trong đó khoảng 90% là hàng sản xuất trong nước. Siêu thị sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng đến chiều 30 Tết và mở cửa từ mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024.
Cùng với không khí nhộn nhịp tại các siêu thị, hàng hóa phục vụ người dân dịp Tết tại các đại lý, cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống cũng được bày bán rất dồi dào. Bà Nguyễn Thị Hảo, chủ cửa hàng tạp hoá tại thị trấn Khoái Châu (Khoái Châu) cho biết: Thị trường hàng hóa Tết đang sôi động và sẽ bước vào cao điểm khoảng từ ngày 15 đến 30 tháng Chạp. Năm nay hàng hóa có chủng loại phong phú, mẫu mã đẹp và chất lượng hơn. Các hãng sản xuất bánh, kẹo cho ra nhiều mẫu mới. Cửa hàng của tôi bán chủ yếu là hàng Việt Nam, chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao.
Tại các chợ truyền thống, hàng hóa cũng khá phong phú, đa dạng, giá cả cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do là thời điểm cuối năm nên một số mặt hàng thịt có xu hướng tăng từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg tuỳ loại so với tháng trước. Cụ thể như: Thịt lợn ba chỉ có giá 120.000 – 130.000 đồng/kg; nạc vai 100.000 – 110.000 đồng/kg; giò, chả 150.000 đồng/kg; thịt gà ta 170.000 đồng/kg; gà công nghiệp 60.000 đồng/kg; thịt bò 230.000 – 240.000 đồng/kg... Các loại rau, củ, quả nguồn cung dồi dào và giá bán ổn định.
Tại chợ Phủ (Khoái Châu), dịp này lượng khách mua sắm hàng hóa Tết bắt đầu tấp nập. Các sản phẩm thiết yếu như: Gạo, dầu ăn, nước chấm, gia vị các loại... giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào. Chợ Phủ là điểm giao thương hàng hóa của người dân trong huyện Khoái Châu nên quanh năm tấp nập người mua, bán nhưng chợ Tết đông đúc hơn nhiều. Nhiều loại sản vật được người nông dân làm ra, tích lũy, mang đến chợ Tết như: Gạo nếp, miến dong, lá dong, đỗ xanh, rau, quả… Bà Nguyễn Thị Loan, tiểu thương bán hàng tại chợ cho biết: Ngay từ đầu tháng Chạp tôi đã nhập các mặt hàng khô như: Măng, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương… về để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Năm nay, các mặt hàng phục vụ thị trường Tết dồi dào, giá bán ổn định. Thông thường, từ sau Rằm tháng Chạp đến ngày 30 Tết, lượng khách đến chợ Phủ đông đúc hơn ngày thường.
Thực tế, vài năm nay, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm Tết sớm hơn bởi việc mua sớm giúp họ không bị cập rập, dồn vào những ngày cận Tết. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Do công việc phải làm đến sát Tết Nguyên đán mới được nghỉ nên khi siêu thị bắt đầu bày bán các mặt hàng Tết là tôi tranh thủ mua những thực phẩm như bánh, kẹo, mứt..., ưu tiên lựa chọn các sản phẩm sản xuất trong nước. Tôi thấy năm nay những mặt hàng này rất phong phú, đa dạng, giá bán ổn định.
Theo dự báo của Sở Công Thương, sức mua hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay của người dân trong tỉnh tăng khoảng 5 – 7% so với Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến; hàng may mặc; nhiên liệu; đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản các loại... Với sự chủ động dự trữ sớm nguồn hàng cũng như sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nên giá cả các mặt hàng trên thị trường cơ bản không tăng hoặc có sự điều chỉnh giá không đáng kể. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát về giá, bán hàng theo giá niêm yết, chất lượng hàng hóa được Sở Công Thương phối hợp tăng cường kiểm tra, góp phần bình ổn thị trường.
Để kích cầu tiêu dùng, bảo đảm hàng hóa với sức mua lớn vào dịp Tết của người dân, UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Xuân Giáp Thìn năm 2024 từ ngày 26 đến 30/1 (tức từ ngày 16 đến 20 tháng Chạp) tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên) với khoảng 200 gian hàng bày bán sản phẩm OCOP đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh và các tỉnh, thành phố trong nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có 24 siêu thị, 100 chợ đang hoạt động. Tính tới thời điểm này, hàng hoá phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân trong tỉnh dịp Tết Nguyên đán 2024 dồi dào, phong phú, đa dạng. Để bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở tăng cường nắm bắt tình hình thị trường, giá cả và sản xuất của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Sở tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan bảo đảm cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình cung, cầu hàng hóa, giá cả thị trường và phối hợp theo dõi, ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết…
Nguồn: https://baohungyen.vn