KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ VỀ ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM (21/7/1954 - 21/7/2024); KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947-27/7/2024); KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/7/2024).
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 18/03/2024 - Lượt xem: 84
Gặp gỡ những NSND, NSƯT của Nhà hát Chèo Hưng Yên

Tại Lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 vừa được tổ chức đầu tháng 3 tại Nhà hát lớn Hà Nội, tỉnh Hưng Yên có 3 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu. NSƯT Nguyễn Xuân Sanh được phong tặng danh hiệu NSND và 2 nghệ sĩ: Phạm Văn Quang và Nguyễn Tiến Tùng, được phong tặng danh hiệu NSƯT. Cả 3 nghệ sĩ đều công tác tại Nhà hát Chèo Hưng Yên, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, cùng nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.

 
NSND Nguyễn Xuân Sanh - một đời tâm huyết với chèo
Qua 40 năm gắn bó với nghệ thuật Chèo, đến nay NSND Nguyễn Xuân Sanh, Nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Hưng Yên đã sở hữu nhiều giải thưởng trong các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Với chất giọng vang rền, giàu cảm xúc, các làn điệu chèo qua sự thể hiện của ông luôn để lại ấn tượng trong lòng khán giả.
NSND Nguyễn Xuân Sanh tại lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước NSND,
NSƯT lần thứ 10
Nghệ sĩ Xuân Sanh sinh năm 1959 tại xã Tống Trân (Phù Cừ). Từ nhỏ ông đã đam mê ca hát, mê các chương trình dân ca và nhạc cổ truyền, nhất là những làn điệu chèo được nghe trên sóng phát thanh. Từ say mê đến nhẩm hát theo, chèo đã ngấm vào ông tự nhiên như thế.
Tháng 6/1978 ông tình nguyện nhập ngũ, đóng quân ở Tây Nguyên. Từ niềm yêu thích, năng khiếu hát chèo, ông trở thành “hạt nhân” trong các hoạt động văn nghệ của đơn vị. Năm 1984, ông là diễn viên tại Đoàn chèo Hải Hưng và từ năm 1997, ông chuyển về công tác tại Đoàn chèo Hưng Yên. Những năm 80, 90 của thế kỷ XX, sân khấu chèo phía Bắc ở giai đoạn hoàng kim, nở rộ từ trung ương đến địa phương. Nhờ vậy lớp diễn viên như Xuân Sanh có nhiều đất diễn và thể hiện tài năng, phát triển thành những tên tuổi lớn. Ông được công chúng biết đến với những vai diễn trong các vở chèo như: “Hai giọt nước”; “Tình hận giữa hoàng cung”; “Chuyện tình thời sinh viên”; “Tướng quân Lê Đình Kiên”; “Phút giây định mệnh”; “Tình mẫu tử”; “Tống Trân, Cúc Hoa”; “Danh y vào phủ Chúa”… Càng diễn, ông càng khẳng định được mình.
Ghi nhận những cống hiến của nghệ sĩ Xuân Sanh, trong suốt quá trình làm nghề, ông vinh dự được nhận 12 Huy chương Vàng, Bạc tại các hội thi, hội diễn trong nước. Năm 2012 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT và mới đây ông là nghệ sĩ duy nhất của Hưng Yên được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND. Giờ đây khi đã nghỉ hưu, ông vẫn thường xuyên truyền dạy hát chèo để lan tỏa tình yêu với nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ.
NSƯT Phạm Văn Quang – mê đắm nghiệp chèo
26 năm gắn bó với nghề diễn viên chèo, nghệ sĩ Phạm Văn Quang (sinh năm 1970), Trưởng Đoàn nghệ thuật 2, Nhà hát Chèo Hưng Yên được tặng nhiều Huy chương Vàng, Bạc tại các Hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc; mới đây, anh được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

NSƯT Phạm Văn Quang tại lễ trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước NSND,
NSƯT lần thứ 10
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ở xã Phương Công, huyện Tiền Hải (Thái Bình), từ nhỏ, cậu bé Quang đã say mê ca hát và thường xuyên tham gia các phong trào văn nghệ ở địa phương. Mỗi khi biết có đoàn hát chèo về địa phương biểu diễn, anh không ngại đi bộ hàng chục cây số để được trực tiếp xem các diễn viên biểu diễn. Sau những lần được xem hát chèo, anh say mê và hát những làn điệu chèo cổ. Sau khi xuất ngũ, anh vừa học vừa làm tại Trường Trung cấp Văn hoá nghệ thuật Hải Phòng. Từ năm 1997 đến nay, anh công tác tại Nhà hát Chèo Hưng Yên.
Với những khán giả mê chèo trong tỉnh, Nghệ sĩ Phạm Văn Quang là gương mặt diễn viên quen thuộc góp mặt vào thành công của nhiều vở diễn như: “Giọt máu đào”; “Tướng quân Lê Đình Kiên”; “Phút giây định mệnh”; “Hết quan hoàn dân”; “Tiếng chuông”… Với tư duy và sự hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật chèo, anh được đảm nhận nhiều vai chính trong những vở diễn. Và dù đóng vai chính diện hay phản diện, anh cũng thể hiện thành công. Trong diễn xuất, ngoài tác phong, anh cũng chú ý đến trang phục và cách trang điểm phù hợp nhân vật mà mình vào vai. Dù là diễn vai hiện đại, với những hoàn cảnh cuộc đời khác nhau, hay những nhân vật lịch sử có khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất, anh đều hóa thân rất tốt.
Có thể nói NSƯT Phạm Văn Quang đã dành trọn tâm huyết cho nghệ thuật chèo. Danh hiệu NSƯT vừa được phong tặng là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến của anh với môn nghệ thuật chèo truyền thống. Đang ở độ “chín” của nghề nghiệp, anh luôn tâm niệm phải nỗ lực không ngừng với khao khát cống hiến nhiều hơn cho công chúng yêu nghệ thuật.
NSƯT Nguyễn Tiến Tùng - Tài năng trẻ của Nhà hát Chèo Hưng Yên
Mặc dù tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ nhưng NSƯT Nguyễn Tiến Tùng (sinh năm 1985), Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật 2, Nhà hát Chèo Hưng Yên đã đạt được những thành tựu đáng được khích lệ. Từ năm 2013 đến nay, anh đã tham gia hàng chục vai diễn chính như: vai Nghĩa trong vở “Nỗi đau người lương thiện”, vai Hoàng Tuấn trong vở “Phút giây định mệnh”, vai Trần Hoạt trong vở “Tiếng Chuông”…, giành 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các liên hoan nghệ thuật, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc...
NSƯT Nguyễn Tiến Tùng (ngoài cùng bên phải) trong vở diễn “Hoa gấm ngày xưa”
Chia sẻ về cơ duyên đến với bộ môn nghệ thuật truyền thống này, anh Tùng cho biết: Ngày nhỏ, tôi rất yêu thích các làn điệu dân ca quan họ và thường xuyên nghe chương trình “30 phút dân ca và nhạc cổ truyền” trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Dần dần, tình yêu với ca nhạc cổ truyền ngày càng lớn lên và trở thành niềm đam mê lúc nào không hay. Năm 2003, tôi trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Thái Bình. Năm 2006, tôi về công tác tại Nhà hát Chèo Hưng Yên cho đến nay.
Ngồi nghe anh nói về chèo trong dòng chảy của các bộ môn nghệ thuật truyền thống mới thấy anh say mê đến mức nào. Anh luôn khẳng định, đây là bộ môn nghệ thuật bác học cần phải được trân trọng và gìn giữ, trong đó nghệ sĩ là người đóng vai trò rất quan trọng. Dù đóng vai nào anh đều trăn trở với nhân vật, tìm tòi, học hỏi từ nghề nghiệp đến hoàn cảnh, tính cách nhân vật để tìm lối diễn chân thực nhất. “Khi ánh đèn sân khấu đã tắt, cởi bỏ lớp hóa trang, nhưng những nhân vật mà tôi hóa thân dường như là một phần trong cuộc sống, nên phải mất một thời gian mới có thể thoát vai. Biết vui, buồn, đau cùng nhân vật thì người nghệ sĩ mới mang được những cảm xúc chân thực nhất đến với khán giả, để họ đồng cảm cùng nhân vật. Đó cũng chính là niềm vui lớn nhất của người nghệ sĩ”, anh Tùng khẳng định.
                                                                                                                                                   Nguồn: https://baohungyen.vn
Tin liên quan