10 năm trước, cả nước đào tạo được 1.170 bác sĩ nội trú nhưng chỉ có 2 bác sĩ nội trú làm việc tại Hà Nội. 10 năm sau, số bác sĩ nội trú được đào tạo tăng lên hơn 6.800, nhưng số lượng sau khi tốt nghiệp về các địa phương rất hạn chế. Khao khát nhân lực chất lượng cao trong ngành y là nỗi niềm của nhiều địa phương, ngay cả tại thủ đô Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Chưa có nhân lực y tế chất lượng cao về các địa phương
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, thực trạng “khát” bác sĩ nội trú không chỉ là câu chuyện của các bệnh viện tuyến trung ương. Hiện có 99,9% bác sĩ nội trú làm việc ở tuyến Trung ương, trong khi đó lực lượng tinh nhuệ này chọn về Hà Nội và các địa phương chỉ khoảng 10 người. Có tỉnh “trắng” bác sĩ nội trú.
Khởi phát từ năm 1974, đến nay, tổng số bác sĩ nội trú được đào tạo tại Đại học Y Hà Nội là 3.490 bác sĩ (bao gồm cả bác sĩ nội trú đang học). Số trường đại học y đào tạo bác sĩ nội trú rất hạn chế và chỉ tập trung vào một số mã, ngành do chưa có nhiều cơ sở đào tạo thực hành đáp ứng đúng tiêu chuẩn.
"Đến nay, số bác sĩ nội trú đã được cấp bằng trên toàn quốc là 6.890, trong đó số bác sĩ nội trú của trường Đại học Y Hà Nội là 2.864", Giáo sư Tạ Thành Văn cho hay.
Hiện nay, trường Đại học Y Hà Nội có 39 chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú, mỗi chuyên ngành có khoảng 6-7 bác sĩ nội trú/khóa, trung bình một khóa chỉ có 350-400 người, con số rất ít so với hàng nghìn sinh viên y khoa tốt nghiệp một năm.
Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội.
Trước việc khát nhân lực chất lượng cao như bác sĩ nội trú, từ 5 năm trở lại đây, trường Đại học Y Hà Nội đã đề xuất với Bộ Y tế thay đổi cách thức đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh với bác sĩ nội trú để có thêm nhiều nhân lực chất lượng cao phục vụ các cơ sở y tế trong cả nước, để mọi người dân đều được tiếp cận nguồn nhân lực y tế chất lượng cao.
Giáo sư Tạ Thành Văn cho hay, 5 năm qua, trường Đại học Y Hà Nội đã mở rộng hơn việc đào tạo bác sĩ nội trú, trong đó có kết hợp với nhiều cơ sở y tế công lập như Thanh Hóa, Hà Nội hoặc cơ sở tư nhân như Tâm Anh, Vinmec để đào tạo theo nhu cầu nhưng vẫn chưa đủ nhân lực cao cung cấp cho các đơn vị.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2022, bệnh viện tiếp nhận 27 bác sĩ nội trú, trong đó có 16 bác sĩ nhi và 9 bác sĩ ở các chuyên ngành khác như: Chẩn đoán hình ảnh, ngoại khoa, tâm thần.
Ông Điển chia sẻ, sinh viên trường y sau 6 năm đào tạo mới chủ yếu nắm kiến thức đa khoa cơ bản. Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa, một người cần trải qua khóa học nội trú. Tại chuyên khoa nhi, sau 9 năm học gồm 3 năm học bác sĩ nội trú, một bác sĩ có được kiến thức tốt phục vụ chuyên ngành, sau đó mới học tiếp thành bác sĩ chuyên nhi sâu.
Ngay khi tiếp nhận bác sĩ nội trú, lãnh đạo bệnh viện sẽ dành thời gian để trò chuyện với từng người để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng về tương lai ngành chuyên khoa muốn học, nhắc nhở các em tác phong chuẩn mực.
Sau 3 năm, lực lượng này sẽ được đánh giá lại để xem có khả năng đào tạo thành cán bộ chủ chốt của bệnh viện hay không.
Cần thiết mở rộng đào tạo bác sĩ nội trú
Nhận định việc mở rộng chương trình đào tạo bác sĩ nội trú là cần thiết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, trước đây, chỉ có 2-3% sinh viên một khóa học đủ điều kiện đăng ký tham dự và trải qua kỳ thi rất khắt khe để theo học bác sĩ nội trú. Nhưng nhân lực này không đủ đáp ứng cho nhiều tuyến y tế.
"Chúng ta cần thêm nhiều bác sĩ nội trú hơn nữa. Các trường đại học y có đủ điều kiện về nhân lực giảng dạy, cơ sở thực hành lâm sàng đạt chuẩn cần mở rộng đào tạo”, ông Điển bày tỏ.
Quan trọng nhất theo ông Điển, là cần phải kiểm soát được chất lượng đầu vào, tuyển được những bác sĩ nội trú có tâm, có đức với nghề.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bên cạnh đó, ngoài chương trình đào tạo ngoài lý thuyết chuyên sâu phải có cơ sở thực hành khối lượng thực hành tốt; thầy, cô hướng dẫn lâm sàng tốt; có phòng học, phòng tiền lâm sàng tốt nhất của mỗi chuyên ngành.
Đồng thời, trong quá trình học, thầy cô phải giám sát học viên tuân thủ thật tốt quá trình đào tạo, chăm chỉ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo nhiều bác sĩ nội trú sẽ không còn tạo ra được sự tinh hoa của bác sĩ nội trú nữa. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tại các bệnh viện, kể cả bệnh viện tuyến trên, đều đang thiếu nhân lực y tế chất lượng cao như bác sĩ nội trú.
Theo các chuyên gia về chính sách của ngành y tế, một bác sĩ nội trú có thể đi trước người bạn học cùng khóa mình từ 6-10 năm về kiến thức và kinh nghiệm lâm sàng.
Theo Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có khoảng 40% bác sĩ tại bệnh viện là bác sĩ nội trú, trung bình mỗi khoa phòng có 4-5 bác sĩ nội trú. Việc đào tạo nhiều sẽ không thừa, vì hiện nay, việc nhiều cơ sở y tế kết hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo bác sĩ nội trú theo địa chỉ.
Tuy nhiên ông Điển cho rằng, khó khăn của việc đào tạo bác sĩ nội trú khi mở rộng là phải bảo đảm chất lượng đào tạo và phải có lộ trình. “Lộ trình có thể đặt ra tăng từ 5% đến 10% trong từng năm. Để tiến tới đạt được như Pháp có tới 80-90% bác sĩ nội trú, tôi nghĩ chúng ta phải mất 20-30 năm nữa. Việc khó khăn của đào tạo bác sĩ nội trú chính là không phải nơi nào cũng có cơ sở thực hành bảo đảm tiêu chuẩn và lực lượng thầy cô giảng dạy”, bác sĩ Điển cho hay.
Do đó, ông Điển đề xuất, ngành y tế có thể đưa ra một kỳ thi tuyển chung bác sĩ nội trú và sau đó các bác sĩ sẽ được lựa chọn nơi mình thực hành đào tạo theo điểm từ cao xuống thấp. Mỗi năm, các bác sĩ đều có quyền thi lại để đăng ký lại hồ sơ. Điều đó cần phải có một ban điều phối mang tầm quốc gia để hoạt động này được triển khai tốt nhất.
Nguồn: https://nhandan.vn