KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ VỀ ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM (21/7/1954 - 21/7/2024); KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947-27/7/2024); KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/7/2024).
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 18/03/2024 - Lượt xem: 97
Lời thề của người lính Vị Xuyên

Một ai đó đã nói rằng, khi chiến tranh càng lùi xa thì những người lính còn sống càng ít kể về chiến trận, chiến công hay những tấm huy chương. Thay vào đó, họ nhắc nhiều đến đồng đội, nhất là những người đã nằm lại chiến trường. Với họ, đồng đội bao giờ cũng là người tốt nhất, đẹp nhất và đáng sống nhất.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim (bên trái) trong một chuyến tìm kiếm hài cốt của đồng đội tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Và tôi đã may mắn gặp được một cựu chiến binh như vậy tại tỉnh Yên Bái, khi cuộc sống của anh trong hơn 10 năm qua gắn liền với những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội, đề nghị địa phương đặt tên đường, kêu gọi xây nhà tình nghĩa tặng cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, giúp làm đường dân sinh, xây dựng cổng làng, tặng Quốc kỳ, dê, bò cho đồng bào biên giới ở mảnh đất Hà Giang…, cùng nhiều hoạt động từ thiện tại các nơi khác.
Phải nói là Hà Giang có nhiều kỷ niệm không thể quên với cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim, đủ để anh coi đây như một quê hương nữa của mình, sau quê gốc Ứng Hòa (Hà Nội), mảnh đất Lào Cai nơi anh sinh ra và Yên Bái nơi anh trưởng thành.
Cuộc gọi định mệnh
Nhập ngũ tháng 3/1984, ra quân tháng 11/1987, nguyên chiến sĩ truyền đạt của Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) trở về Yên Bái, bắt đầu cuộc sống mới sau bốn năm gác bút nghiên. Mãi tới năm 1998, anh lập gia đình và những tưởng mọi thứ cứ trôi qua bình lặng như vậy cho đến tháng 3/2012. Trung sĩ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim nhớ lại: Khoảng 10 giờ tối, tôi nhận được một cuộc điện thoại lạ, giọng nữ người miền trung. Chị hỏi tôi: Chú có phải là chú Kim không? Tôi giật mình mặc dù giọng người miền trung vốn rất khó nghe. Tôi trả lời: Vâng, em là Kim đây. Chị liền nói tiếp: Chú là truyền đạt ở Tiểu đoàn 3 phải không?...
Đúng là vợ anh Thanh rồi. Tôi chưa kịp hỏi lại có phải là chị Thanh hay không thì chị òa lên khóc. Chị nói: Chú ơi, chị đợi giây phút này 28 năm rồi.
Nguyễn Văn Kim có lẽ cũng không ngờ rằng cuộc gọi của chị Lưu Thị Lan, vợ liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, khi đó đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của anh và rất nhiều đồng đội, cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên nói riêng, ở Hà Giang, Yên Bái nói chung sau này. Không còn là những chuyến đi trở lại chiến trường ít nhất vào ngày 12/7 hằng năm để thắp hương, gọi tên những người đồng đội đã hy sinh mà từ thời điểm trò chuyện với chị Lan, anh cảm thấy mình cần lên đường tìm kiếm hài cốt họ, trước là của người anh thân thiết, người chỉ huy Tiểu đoàn 3 năm xưa, sau là những đồng đội khác, rồi thực hiện nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ họ suốt hơn 10 năm qua…
Quay trở lại với câu chuyện ban đầu. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim cho biết, sau khi Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Thanh, quê Quảng Bình, hy sinh ngày 12/7/1984 ở Điểm cao 772, vợ anh có ba lần lên Hà Giang tìm mộ anh nhưng đều không có thông tin gì. Khoảng tháng 2/2012, gia đình có mời một nhà ngoại cảm, thắp hương ở hang Tám Cô và có điều gì đó rất tâm linh khi họ được báo phải đi tìm những đồng đội còn sống của liệt sĩ Thanh là Kim và Khiêm (Chu Xuân Khiêm).
Chút hy vọng lóe lên cho gia đình chị Lan nhưng họ cũng không biết tìm hai đồng đội cũ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thanh ở đâu. Sau khoảng hai tháng, tình cờ chị biết được địa chỉ đồng chí Đặng Việt Châu, nguyên Chính trị viên Sư đoàn 356. Chị gọi điện hỏi thì anh Châu cho biết Kim ở Yên Bái, Khiêm ở Hà Nội.
Những gì xảy ra tiếp theo là cuộc trò chuyện giữa chị Lan và cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim. Tháng 6/2012, anh Nguyễn Văn Kim và mấy đồng đội đưa chị Lan lên Điểm cao 772 tìm vị trí anh Thanh hy sinh, dù khu vực này khi đấy vẫn còn nhiều mìn chưa được rà phá hết. Họ trở lại khu vực chiến hào D1, hồi tưởng trận đánh buổi sáng hôm đó khi đơn vị nhận nhiệm vụ đánh lên chiến hào D1. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim nhớ lại: “Anh Thanh có bảo tôi quay lại đi với mũi thứ 2 của anh Châu, rồi anh dẫn đơn vị đánh lên lô cốt cách đấy 40m. Súng nổ và anh Thanh hy sinh, cách chiến hào D1 khoảng 15m. Lúc đồng đội lên thấy anh Thanh nằm đó, nhưng địch đánh rát quá nên họ không đưa được thi thể anh ra”.
Tại vị trí hy sinh của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, họ đã tìm thấy một số vật dụng quen thuộc, trong đó đáng chú ý là chiếc khăn dù mà anh vẫn hay mang khi xưa. Một phần hài cốt đã được gia đình đưa về Nghĩa trang Ba Dốc (Quảng Bình), sau 28 năm anh hy sinh và nằm lại ở Điểm cao 772 trong cảnh sương giăng, cô quạnh.
Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim, mọi chuyện không dừng ở hành trình tìm kiếm đấy. Từ năm 2012 đến 2017, cứ ở đâu có thông tin của đồng đội, anh lại lên đường hoặc chỉ dẫn thông tin giúp đội quy tập hài cốt Tỉnh đội Hà Giang. Tháng 12/2017, anh và các cựu chiến binh khác đã tìm thêm được hài cốt liệt sĩ Đình Văn Chung, người ở Phú Diễn (Hà Nội), sau sáu chuyến đi kéo dài ba tháng để đưa anh trở về quê hương.
Ngoài việc tìm được hài cốt của hai liệt sĩ có tên, cuối năm 2020, cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim còn đưa đội quy tập hài cốt Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang lên Điểm cao 772 tìm được 7 hài cốt chưa có tên. Năm nào anh cũng lên Hà Giang ít nhất 10 lần, không chỉ tìm kiếm thông tin về phần mộ những liệt sĩ vẫn còn nằm lại bờ khe, hốc đá mà còn thực hiện nhiều công việc khác. Anh cho rằng, may mắn trở về với gia đình nên chừng nào vẫn khỏe mạnh, anh sẽ tiếp tục làm những việc có thể cho đồng đội, cho những cựu chiến binh khác hay cho người dân Hà Giang, Yên Bái nói chung.
Những chuyến đi bất tận
Trong vô vàn công việc mà cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim tham gia (cũng nhờ hậu phương vững chắc là người vợ Đỗ Thị Thảo hỗ trợ, chăm lo con cái thay anh), tôi muốn nói nhiều hơn đến hai sự kiện quan trọng, có dấu ấn cá nhân rõ rệt của anh. Đấy là việc xây dựng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 và đề nghị tỉnh Hà Giang đặt tên đường, phố theo tên ba liệt sĩ được công nhận là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của địa phương.
Khi nghe cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim nói về việc xây dựng Đài hương tưởng niệm liệt sĩ ở Điểm cao 468 trước đây, tôi chợt nhớ hồi tháng 7/2023, chúng tôi có lên thắp hương tại đây mà không để ý kỹ tấm bia lưu danh những người kiến lập. Bởi trong 21 cựu chiến binh của Yên Bái và Hà Giang được khắc tên trên đó, cái tên Nguyễn Văn Kim nằm ở vị trí thứ 4. Giờ được gặp trực tiếp anh, tôi mới biết đằng sau đó là một câu chuyện cảm động và nỗ lực của những người như anh.
Theo cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim, Điểm cao 468 nằm ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Trong những năm giao tranh ác liệt 1984-1989, đây là khu vực gần như trung tâm của Mặt trận Vị Xuyên. Điểm cao 468 đã phải gánh chịu hàng trăm nghìn quả đạn và hỏa lực các loại. Với các Điểm cao 772 và 685; ngày 12/7/1984, gần 600 cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại mảnh đất biên cương này mà phần lớn còn nằm lại trên Điểm cao 772.
Ngày 11/7/2013, như nhiều năm trước, các cựu chiến binh Sư đoàn 356 của Yên Bái, Hà Giang lên thắp hương cho các đồng đội đã hy sinh trên Điểm cao 468 và một người trong số họ gợi ý mong muốn nơi này có một đài hương tưởng niệm. Ý tưởng đó ngay lập tức được tất cả hưởng ứng. Sau đấy, họ vận động quyên góp tiền xây dựng, xin chủ trương, rồi chọn địa điểm và giám sát việc xây dựng. Ngày 23/11/2013, đài hương tưởng niệm liệt sĩ ở Điểm cao 468 hoàn thành.
Sau lễ kỷ niệm 30 năm Chiến dịch MB84, 80 cựu chiến binh đại diện cho Sư đoàn 356 vinh dự và tự hào được gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch ngày 14/7/2014. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước đồng ý để Sư đoàn 356 tôn tạo mở rộng Khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên và các cựu chiến binh cũng ấp ủ xây dựng một nhà tưởng niệm to đẹp hơn tại Điểm cao 468. Tháng 1/2016, công trình Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 được khởi công và hoàn thành sau đó sáu tháng. Công trình chính là công sức, tình cảm của những người lính năm xưa cũng kiên cường bám trụ chiến đấu như Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Quang Tuấn, Đào Mạnh Chung, Trần Văn Đại, Phạm Văn Cường, Nguyễn Xuân Đệ, Nguyễn Đình Thắng, Hoàng Thế Cương, Triệu Xuân Tích, Phạm Ngọc Quyền,…
Lời thề chung
Khi lên Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 hồi tháng 7/2023, chúng tôi có thể nhìn sang các Điểm cao 772, 685 và hướng tầm mắt tới Điểm cao 1509, điểm phân giới mốc biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Ở Điểm cao 685 vẫn còn loang lổ những mảng đá trắng như vôi. Nơi đây có Điểm cao E5, gắn với tên Anh hùng liệt sĩ, Thượng sĩ Lê Trần Mãn, thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356, người hy sinh vào ngày 17/1/1985. Ngày 29/8/1985, liệt sĩ Lê Trần Mãn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chưa hết, phía trên phù điêu tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên Điểm cao 468 có ba hàng chữ đắp nổi mầu vàng: Lời thề chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên/Sống bám đá đánh giặc/Chết hóa đá bất tử. “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” là lời thề khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sĩ, Trung úy, Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 và giờ, lời thề đó đã trở thành lời thề chung của các chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên.
Nhắc đến hai liệt sĩ Lê Trần Mãn và Nguyễn Viết Ninh của Sư đoàn 356 cũng để nói đến hành động viết đơn đề nghị tỉnh Hà Giang đặt tên phố, đường theo tên ba liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Mặt trận Vị Xuyên, cùng với liệt sĩ Hoàng Hữu Chuyên, thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, của cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim năm 2017. Sau nhiều nỗ lực của người cựu chiến binh sinh năm 1966 và sau ba năm anh chờ đợi, ngày 9/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã ra nghị quyết đặt tên đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Giang, trong đó có hai con đường Lê Trần Mãn, Hoàng Hữu Chuyên và con phố Nguyễn Viết Ninh, đúng với tâm nguyện của các cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên và thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Thật khó có thể nhớ hết những chuyến đi, những phần việc mà cựu chiến binh Nguyễn Văn Kim đã làm cho các đồng đội, người dân Hà Giang, Yên Bái và nhiều nơi trên dải đất Việt Nam nhưng như lời thề chung của các chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên năm nào, anh luôn coi đó là trách nhiệm của mình trong thời bình, “Vì nhân dân quên mình…/Vì đất nước thân yêu mà hy sinh”…
                                                                                                                                                                                     Nguồn: https://nhandan.vn

Tin liên quan