Giữa nhịp sống hối hả của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những cán bộ, viên chức của Trung tâm Lưu trữ lịch sử (Sở Nội vụ) lại hối hả theo cách riêng. Họ “chạy đua” với thời gian để thu thập, lưu trữ và tìm cách “kéo dài tuổi thọ” cho các tài liệu, đặc biệt là các tài liệu lịch sử quý hiếm.
Tháng 3/2023, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tiếp nhận tấm bản đồ tỉnh Hưng Yên tỉ lệ 1/200.000 do người Pháp vẽ năm 1891. Bản đồ được Công ty cổ phần đầu tư Đức Nghiệp (Hà Nội) sưu tầm từ Thư viện Quốc gia Pháp, sao nguyên bản, bồi nền bảo đảm cho việc lưu trữ, trưng bày và khai thác tài liệu. Đồng chí Trương Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử cho biết: Sưu tầm, thu thập tài liệu, tư liệu lịch sử là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ. Công việc này không chỉ có ý nghĩa phục vụ công tác quản lý nhà nước, lưu giữ các giá trị văn hoá mà còn tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác, nghiên cứu phục vụ công tác, học tập, nghiên cứu. Những năm gần đây, Trung tâm Lưu trữ lịch sử sưu tầm, lưu trữ nhiều tài liệu quý, hiếm về lịch sử vùng đất, con người Hưng Yên. Điển hình như năm 2021, Trung tâm khảo sát, lập danh mục hồ sơ, tài liệu, thu thập 4.830 văn bản, tài liệu phản ánh về Hưng Yên, bao gồm 30 phiên bản giấy dó, 800 phiên bản màu có công chứng và 4.000 văn bản phô tô tài liệu của Phông lưu trữ Nha Kinh lược Bắc kỳ. Phông lưu trữ Nha Kinh lược Bắc kỳ là tài liệu hành chính được hình thành từ năm 1883 đến năm 1894. Tài liệu phản ánh sâu sắc bộ máy hành chính nước ta những năm cuối thế kỷ XX, tái hiện bức tranh đời sống cùng khổ của người dân miền Bắc chịu cảnh “Một cổ hai tròng” dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến; thông tin giá trị về những nhân vật, sự kiện lịch sử và các phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp thời bấy giờ. Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm phối hợp với các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ lịch sử một số tỉnh, thành phố trong cả nước sưu tầm được nhiều tài liệu quý như: Mộc bản triều Nguyễn, tài liệu của Uỷ ban hành chính tỉnh Hưng Yên từ năm 1952 đến năm 1968. Đây là những tài liệu quý hình thành từ nhiều thập kỷ trước bằng hình thức đánh máy chữ hoặc viết tay trên nền giấy xấu trong điều kiện đặc biệt như đang chiến đấu hoặc hoạt động bí mật ở vùng tạm chiếm... Tài liệu của Uỷ ban hành chính tỉnh Hưng Yên có giá trị minh chứng cho thời kỳ lịch sử quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hưng Yên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm lưu trữ lịch sử bảo quản các tài liệu quý hiếm
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện nhiệm vụ thu thập tài liệu lưu trữ lịch sử của các sở, ngành, địa phương, trong đó có nhiều hồ sơ, tài liệu có tuổi đời đã lâu, là độc bản nhưng giấy đã mục, mủn do không được bảo quản đúng cách. Việc tu bổ, phục chế đều phải làm bằng phương pháp thủ công, tỉ mỉ từng khâu, từng thao tác nên mất nhiều thời gian, công sức. Tài liệu tích đống ngày nào thì nguy cơ xuống cấp, khó khăn cho công tác phục chế ngày đó.
Nhằm “kéo dài tuổi thọ” cho các loại tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu, những năm qua, Trung tâm Lưu trữ lịch sử cùng với Sở Nội vụ tham mưu và được tỉnh đầu tư hệ thống cơ sở vật chất và nhiều trang thiết bị hiện đại, tạo thuận lợi cho việc lưu trữ, bảo quản, số hoá các tài liệu như: Hệ thống giá kho lưu trữ thông minh; hệ thống máy chủ, máy tính... Đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm được cử đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Hiện nay, Trung tâm đang đẩy nhanh tiến độ “số hoá” các tài liệu lưu trữ và từng bước kết nối dữ liệu với phông lưu trữ quốc gia. Đến hết năm 2023, Trung tâm Lưu trữ lịch sử đã thực hiện số hóa trên 1,2 triệu trang văn bản, tương đương 250,25 mét giá tài liệu.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay hầu hết tài liệu lịch sử quý, hiếm viết bằng tiếng Hán, Nôm, Pháp... trong khi đó, trình độ của đội ngũ làm công tác sưu tầm lại có nhiều hạn chế về các loại ngôn ngữ này nên việc tiếp cận nội dung, dịch thuật tài liệu sang tiếng Việt gặp nhiều khó khăn. Một số tài liệu sưu tầm được in trên giấy dó hoặc bản dập từ mộc bản... nên cần được bảo quản trong điều kiện đặc biệt để bảo quản an toàn, tăng tuổi thọ của hồ sơ, tài liệu sau khi được sưu tầm. Nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc sưu tầm tài liệu phải chọn lọc và có nội dung hồ sơ, tài liệu không được sưu tầm trọn vẹn. Trong khi đó, số tài liệu chưa thực hiện số hóa tại kho lưu trữ khoảng 1,32 triệu trang văn bản, tương đương 236,35 mét giá tài liệu.
Mỗi trang tài liệu, tư liệu được lưu trữ tại kho lưu trữ lịch sử tỉnh không chỉ là trang thông tin thông tin đơn thuần, mà còn mang giá trị lịch sử của quá khứ, mang tinh hoa, bản sắc của quê hương, là hồn cốt của dân tộc, thậm chí có tài liệu mang giá trị về chủ quyền đất nước. Đội ngũ cán bộ, viên chức Trung tâm Lưu trữ lịch sử không chỉ làm nhiệm vụ lưu trữ, mà còn tiếp tục nghiên cứu để phát huy giá trị, để mỗi trang tài liệu ấy có sức sống, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nguồn: https://baohungyen.vn