Năm 2024, ngành Công Thương tỉnh đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8% so với năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD. Trong bối cảnh kết quả xuất khẩu năm 2023 của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra, cùng với dự báo kinh tế toàn cầu có thể sẽ tăng trưởng chậm lại cho thấy trở ngại, khó khăn để hoàn thành mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tuy vậy, theo phân tích của ngành chức năng, bên cạnh những khó khăn, tỉnh ta có nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp trong năm 2024.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ)
Trong năm 2023, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tạo dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư; các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa được đẩy mạnh đã thúc đẩy một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, duy trì sản xuất và là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 6,35%. Nhờ vậy, kinh tế của tỉnh tăng trưởng 10,05%, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng.
Trong hoạt động xúc tiến, ngoại giao và những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, Hưng Yên đã ghi dấu là một trong những điểm đến ưu tiên của nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đầu tư ngành bán dẫn, thiết bị điện tử, các ngành công nghiệp công nghệ cao… Đến nay, toàn tỉnh có 550 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký hơn 7,1 tỷ USD. Các quốc gia có số dự án đầu tư lớn là Nhật Bản có 174 dự án, Hàn Quốc có 153 dự án, Trung Quốc có 140 dự án.
Theo phân tích của ngành chức năng, mặc dù tình hình kinh tế, thị trường còn khó khăn nhưng với những thành tựu, bài học từ năm trước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, tận dụng được thời cơ để tiếp tục tăng tốc phát triển. Đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2024, Sở sẽ ưu tiên tận dụng mọi cơ hội của động lực tăng trưởng mới, đồng thời đẩy mạnh các đột phá chiến lược. Theo đó, Sở sẽ ưu tiên các nhóm giải pháp gồm: Phối hợp với đơn vị liên quan, các địa phương triển khai thực hiện các phương án phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng cung cấp điện. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng cơ sở các cụm công nghiệp đang đầu tư; tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh. Chủ động và phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm sát tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kịp thời đề xuất với tỉnh giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp, lưu thông, tiêu thụ hàng hoá. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thu hút các nhà đầu tư lớn. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án khu, cụm công nghiệp...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách như: Cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ, hàng tiêu dùng. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như: Cơ khí sản xuất máy nông nghiệp, máy xây dựng; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; may thời trang cao cấp. Củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm và hoạt động của làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất trong các làng nghề di chuyển vào cụm công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xây dựng các chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến với phân phối, tiêu thụ sản phẩm, gắn với thực hiện tốt công tác quản lý thị trường. Phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định và củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đa dạng hóa thị trường và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu; trong đó chú trọng tới những thị trường mà doanh nghiệp chưa có khả năng thâm nhập sâu. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phân phối hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến để kích cầu tiêu dùng trong Nhân dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nguồn: https://baohungyen.vn