KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY KÝ HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ VỀ ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM (21/7/1954 - 21/7/2024); KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ (27/7/1947-27/7/2024); KỶ NIỆM 95 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/7/2024).
Văn hóa - Xã hội
Đăng ngày: 18/03/2024 - Lượt xem: 94
Trọng pháo' của báo chí: Bài học xương máu và hành trình làm điều có ích

Với tính chất phản biện xã hội, góp tiếng nói đích đáng, các nhà báo tâm huyết với phóng sự - điều tra đang “vượt qua nỗi cô đơn” để thực hiện một hành trình làm điều tử tế, có ích cho xã hội.

Các diễn giả tại phiên thảo luận với chủ đề “Phóng sự điều tra - Hành trình làm điều có ích.” (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Phóng sự là được xem là thể loại "trọng pháo" của báo chí và điều tra cũng thế hoặc hơn thế nữa. Tuy nhiên hoạt động điều tra báo chí khác điều tra của công an và các cơ quan chức năng khác. Trong luật hiện nay chưa thừa nhận nhà báo khi tác nghiệp là người thi hành công vụ. Đó cũng chính là những rủi ro, nguy hiểm đối với người làm điều tra.
Dù vậy, với tính chất phản biện xã hội, góp tiếng nói đích đáng và mạnh mẽ cho công chúng báo chí, các nhà báo tâm huyết với phóng sự - điều tra đang “vượt qua nỗi cô đơn” để thực hiện một hành trình làm điều tử tế, có ích.
Đó là quan điểm của các diễn giả tại phiên thảo luận với chủ đề “Phóng sự điều tra - Hành trình làm điều có ích” trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc diễn ra trong ngày 16/3 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Những bài học xương máu
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong nhấn mạnh phóng sự điều tra là “hòn đá tảng” trên mỗi tờ báo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy số lượng các tác phẩm thuộc thể loại này đang khá thưa thớt, ít tác phẩm thực sự hấp dẫn và lay động.
Nguyên do theo nhà báo Phùng Công Sưởng là bởi những rào cản như tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc, va đập với cuộc sống của nhiều phóng viên trẻ; nguy cơ khi tác nghiệp; chi phí bỏ ra lớn và thiếu sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, nhà báo Phùng Công Sưởng cũng nêu rõ những nguy cơ pháp lý mà nhà báo điều tra hay gặp phải như việc sử dụng những tài liệu chưa được “giải mật;” thông tin về những vấn đề đang trong quá trình điều tra theo quy trình tố tụng, nhưng sau khi khi kết luận thì thông tin không như báo nêu; tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; người cung cấp thông tin không phải là người đúng thẩm quyền.
“Ngoài ra việc nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép cũng có thể dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bị đe doạ và bị hành hung,” nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ và lưu ý trong luật hiện nay chưa thừa nhận nhà báo khi tác nghiệp là người thi hành công vụ; đó cũng chính là những rủi ro cho người làm điều tra.
Có chung quan điểm, nhà báo Lê Anh Đạt - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết nhấn mạnh hoạt động điều tra báo chí khác điều tra của công an và các cơ quan chức năng khác. Nhà báo cũng không phải là công chức thi hành công vụ để được hỗ trợ công cụ bảo vệ và hành lang pháp lý đặc thù khi thực hiện nhiệm vụ.
Với thực tế trên, nhà báo Lê Anh Đạt cho hay trong quá trình tác nghiệp, phóng viên, nhà báo thường xuyên đối diện với rủi ro có thể trở thành tội phạm, trong các tình huống như: Không báo cáo cơ quan khi đi tác nghiệp; nhập vai đường dây mua bán hàng hóa pháp luật; tham gia sự kiện có vấn đề; tham gia điều tra kiểu đặc tình của công an để làm rõ dấu hiệu, lấy chứng cứ vi phạm của đối tượng…
Nhà báo Lê Anh Đạt cho rằng đối với các tình huống kể trên đều có thể bị quy là thúc đẩy phạm tội, hoặc là phạm tội. Đó là những nguy hiểm rình rập nếu tòa soạn và phóng viên không ý thức một cách nghiêm túc ngay từ khi triển khai đề tài.
Chia sẻ những trường hợp cụ thể, nhà báo Võ Mạnh Hùng - Báo Điện tử VietnamPlus cho biết anh từng phải đối mặt với hiểm nguy trong quá trình nhập vai dân buôn vàng đen để tiếp cận được “bà trùm” than lậu nổi tiếng ở tỉnh Quảng Ninh cũng như công xưởng nằm khuất ở sau những ngọn núi dọc dài ven biển ở vịnh Bái Tử Long.
“Trong chuyến đó, tôi đã được ‘bà trùm’ trên mời lên xe ôtô để trao đổi. Quyết tâm ‘vào hang hổ’ để nắm bắt sự thật, tôi đã lên xe. Lúc đó trên xe còn có thêm 4 thanh niên xăm trổ. Và rồi suốt quá trình đó, tôi đã liên tục bị ‘bà trùm’ đặt ra vô số câu hỏi mang tính thăm dò, điều tra ngược. Trong trường hợp này, nếu sơ hở, hay để lộ danh tính sẽ rất nguy hiểm,” nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ.

Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, nhà báo Võ Mạnh Hùng cho biết anh cũng từng đối mặt hiểm nguy khi phải giáp mặt những con nghiện hung hãn với vũ khí trong tay là đá và kim tiêm tại khu chợ nông sản trá hình chuyên buôn bán muôn loài muông thú, động vật hoang dã, nhất là các loại chim trời ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An để triển khai loạt bài “Đặc vụ xóa sổ chim trời: Cuộc chiến không khoan nhượng.”
Thậm chí có lần Võ Mạnh Hùng còn bị chủ của một doanh nghiệp khoáng sản với dàn nhà máy khủng chuyên xả thải gây ô nhiễm, khiến người dân phải cầu cứu nhiều năm ở một tỉnh khu vực miền Bắc, đe dọa - khi nhiều lần “tấn công” qua điện thoại với tuyên bố sẽ nhờ lãnh đạo cấp cao tác động xuống cơ quan để đuổi việc...
“Với một phóng viên trẻ, những thử thách, nguy hiểm, rủi ro trên, quả thực cũng là điều khiến tôi suy ngẫm; song cứ bẵng đi một thời gian ngắn, lửa nghề lại trỗi dậy trong tâm trí tôi. Tình yêu, niềm đam mê, trách nhiệm và chân lý đã không cho phép tôi bỏ cuộc hay yếu mềm trước nỗi sợ hãi,” nhà báo Võ Mạnh Hùng chia sẻ.
Cần điều tra thế nào để đảm bảo an toàn?
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm để tránh vấp phải các rủi ro nghề nghiệp đối với nhà báo tác nghiệp thể loại phóng sự - điều tra, nhà báo - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt cho rằng trong quá trình tác nghiệp nhà báo phải tự bảo vệ mình, tuân thủ các quy định nghề nghiệp, pháp luật để không vượt qua các ranh giới.
Cùng với đó, các tòa soạn cũng cần phải có sự can thiệp ngay từ khi đề tài còn trong “trứng nước” cho đến khi được xuất bản và được bạn đọc đón nhận.
Để phát triển cũng như thu hút được các nhà báo tham gia sâu hơn vào thể loại báo chí điều tra vì điều điều có ích cho xã hội, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho rằng cần phải tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; cũng như tăng cường sự tương tác giữa môi trường học và hành.
Các nhà báo cũng cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm kỹ năng nghề nghiệp với các nhà báo điều tra có kinh nghiệm với mục đích truyền nghề, truyền cảm hứng cho các thế hệ phóng viên điều tra.
Đối với các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo chí lớn, theo nhà báo Phùng Công Sưởng, tùy điều kiện có thể khôi phục lại nhóm, tổ, phòng ban chuyên về thể loại điều tra. Trên các số báo, giao diện, chương trình của các cơ quan báo chí nên duy trì những chuyên mục, mục, chương trình với tên gọi gắn với thể loại nhằm “giữ lửa” cho thể loại và giữ chân độc giả yêu thích thể loại này đồng thời lôi kéo phát triển các nhóm độc giả mới.
Điều quan trọng khác, theo Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong, là cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố; cần thiết có thể thành lập “Quỹ phòng ngừa rủi ro.”
Ngoài ra, Phó Tổng biên tập Báo Tiền phong cũng đề xuất Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.
Nhà báo lão thành Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đóng góp thêm ý kiến, nhà báo lão thành Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đánh giá cao các ý kiến tham luận đồng thời khẳng định điều mà cả xã hội quan tâm là nhà báo sẽ mang lại điều gì có ích cho nhân dân. Theo đó để làm được thể tài điều tra, các nhà báo cần hội tụ đủ 3 phẩm chất gồm: Bản lĩnh, tri thức và trình độ tác nghiệp.
Với yêu cầu đó, nhà báo Hồng Vinh lưu ý người làm điều tra cần xác định rõ việc mình làm có vì lợi ích nhóm hay không, có phải để nổi danh hơn hay không? Quan trọng và cao cả hơn là mỗi người cần khẳng định mình đang chống tiêu cực để hướng tới mục tiêu có ích cho xã hội, cho nhân dân và dấn thân để đi tới cùng.
“Nhà báo điều tra cần tích luỹ tri thức, hiểu rõ, hiểu sâu về đề tài mình lựa chọn cũng như các quy định pháp luật có liên quan. Ngoài ra nhà báo cũng cần lựa chọn cách viết để bảo đảm tác phẩm có tính thuyết phục và hấp dẫn,” nhà báo Hồng Vinh nói.
Đồng tình quan điểm trên, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh điều quan trọng nhất là khả năng tác nghiệp của các nhà báo. Do vậy mỗi nhà báo phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội và đặc biệt khả năng tác nghiệp. Mỗi phóng viên phải tự bảo vệ được mình mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải.
Ngoài ra, nhà báo Hồ Quang Lợi cũng lưu ý hiện nay hệ thống pháp luật chưa đủ để bảo vệ các nhà báo nên cần có quy định rõ ràng hơn, đủ hiệu năng hơn cũng như cần những người thực thi pháp luật để bảo vệ các nhà báo.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh mỗi tổng biên tập báo cần phải luôn luôn ở phía sau phóng viên, để họ cảm thấy có chỗ dựa.
“Tổng Biên tập dũng khí, thấy cái sai kiên quyết đấu tranh, thấy cái đúng kiên quyết bảo vệ thì sẽ có những phóng viên có phẩm chất như thế trong chính toà soạn của mình,” nhà báo Hồ Quang Lợi nêu quan điểm./.
                                                                                                                                           Nguồn: https://www.vietnamplus.vn
Tin liên quan