70 năm đã trôi qua, nhưng niềm xúc động, lòng tự hào về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vẫn mãi in đậm trong tâm khảm mỗi người Việt Nam nói chung và người dân Hưng Yên nói riêng. Điện Biên Phủ - Chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại mới.
Ông Phạm Xuân Huề (ngồi giữa) ôn lại kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Những ngày ở “chảo lửa” Điện Biên
Ở tuổi 94, chiến sĩ Điện Biên Phạm Xuân Huề ở thôn Xuân Đào, xã Xuân Dục (thị xã Mỹ Hào) vẫn còn minh mẫn, đôi chân còn lanh lẹ, chỉ có đôi tai đã giảm thính lực, phải nói to ông mới nghe được. Vậy mà khi tôi gợi chuyện về Điện Biên Phủ năm xưa, mắt ông sáng hẳn lên. Ký ức những ngày tháng tham gia chiến dịch vẫn còn vẹn nguyên, dường như thời gian và tuổi tác không xóa được bất cứ thứ gì liên quan đến Điện Biên Phủ trong tâm trí ông.
Sinh ra và lớn lên phải chứng kiến cảnh đất nước bị giặc tàn phá, như bao lớp người con của đất Việt, ông Huề căm thù giặc sâu sắc. Năm 23 tuổi, ông xung phong tham gia bộ đội chủ lực. Sau một thời gian huấn luyện, ông được điều về Đại đội 128, thuộc Đại đoàn pháo binh 351. Ông Huề kể lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông được giao nhiệm vụ trinh sát, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực đánh chiếm cứ điểm Hồng Cúm ở phía Nam sân bay Mường Thanh. Thực hiện nhiệm vụ trinh sát, ông và đồng đội phải đào các hầm, hào xuyên vào trận địa của địch. “Tôi cùng đồng đội lúc này gặp rất nhiều khó khăn vì vừa phải đào giao thông hào vào ban đêm dưới hỏa lực rất mạnh của địch, lại vừa chiến đấu bảo vệ hầm, hào, ngăn địch tập trung lực lượng san lấp và chiếm lại. Để giữ vững từng mét hào, từng ụ cố thủ, các anh em trong đơn vị đã anh dũng chiến đấu không quản ngày đêm. Trong tâm trí tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm anh em trong đơn vị đứng trang nghiêm ở giao thông hào chăm chú nghe thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi từ chiến khu Việt Bắc khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ, chiến sĩ ta ở mặt trận Điện Biên Phủ. Với nhiệm vụ trinh sát dẫn đường cho đơn vị chủ lực, ông Huề và đồng đội đã dẫn đường thành công cho các đơn vị đánh chiếm cứ điểm Hồng Cúm, đánh chặn không cho địch từ các ngả chi viện cho sở chỉ huy của địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Hưng Yên chia lửa cùng Điện Biên đánh Pháp
Cùng thời điểm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Hưng Yên đã hăng hái đóng góp sức người, sức của cho chiến trường, đồng thời tích cực xây dựng lực lượng, triển khai chiến đấu tại địa phương với nhiều trận đánh oanh liệt nhằm ngăn địch tăng cường lực lượng, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Liên tiếp từ ngày 13/3đến ngày 26/3/1954, bộ đội và du kích các huyện: Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào đã bám trụ địa bàn chống càn quét, phá đường, liên tục đánh tàu, xe địch (đánh mìn 57 lần, phá 42 xe các loại). Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy về “Tăng cường bao vây các vị trí, kết hợp địch vận và bắn máy bay, tiến lên cắt đường 39 dọc”, các địa phương trong tỉnh đã huy động 8.000 dân công ngày, đêm đào hào giao thông siết chặt vòng vây các vị trí địch ở phía Nam của tỉnh. Đến ngày 28/3/1954, đường 39A bị phá hoại nặng, cơ giới địch không thể hoạt động.
Khi Điện Biên Phủ mở đợt công kích thứ hai (ngày 30/3/1954), Hưng Yên lại mở đợt hoạt động mới trên cả tuyến đường 5 và ở phía Nam của tỉnh. Ngày 22/4/1954, Trung đoàn 42 cùng 3 đại đội của Văn Lâm, Yên Mỹ, Phù Cừ đã đánh trận phục kích lớn tại chợ Đường Cái, tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn địch mới từ chiến trường Triều Tiên về, đang trên đường lên Hà Nội để tiếp viện cho Điện Biên Phủ, tiêu diệt tại trận 179 tên, làm bị thương 64 tên, bắt 108 tên, phá hủy nhiều vũ khí; giải thoát cho 104 người bị địch bắt đi làm phu quân sự. Đây là trận thắng lớn nhất trong đợt hoạt động phối hợp với Điện Biên Phủ trên đường 5. Song song với tác chiến, các địa phương đã tiến hành công tác địch vận rất hiệu quả. Ngày 6/4/1954, nhiều lính đồn ở Chùa Đàm, Văn Giang đã mang vũ khí ra hàng. Ngày 14/4/1954, ta đã huy động 145 gia đình ngụy binh ở Mỹ Hào lên vị trí đòi chồng, con, lôi kéo 60 binh lính tham gia. Ngày 17/4/1954, xuất hiện tình trạng binh lính địch chống lệnh tập thể, 2 đại đội của Binh đoàn cơ động số 3 không chịu hành quân, 1 trung đội địa phương quân ở Yên Mỹ không chịu ra trận.
Khi Điện Biên Phủ công kích đợt 3 (ngày 1/5/1954), các đơn vị đồng loạt tập kích các vị trí địch và thu nhiều thắng lợi. Tiêu biểu như: Tiểu đoàn 54 tập kích vị trí quận lỵ Văn Giang, diệt gọn nhiều đại đội địch (ngày 3/5/1954); bộ đội huyện Văn Giang tập kích vị trí Thuận Tốn và Văn Giang, bắt 42 tên (ngày 9/5/1954); Đại đội 10 và bộ đội huyện Văn Lâm liên tục đánh đổ nhiều đoàn tàu của địch ở các khu vực Khuyến Thiện, Đại Từ, Lạc Đạo, Đông Mai… Trên đường 39, ta diệt 1 trung đội địch đến tiếp tế cho đồn Phố Giác.
Ngày 7/5/1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ nhằm khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Góp công lớn vào chiến thắng lịch sử này, trên địa bàn tỉnh, quân và dân Hưng Yên đã đánh địch 324 trận lớn nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu 5.204 tên địch; phá hủy 18 đoàn tàu hỏa quân sự; 139 xe các loại; thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; chủ động phối hợp với chiến trường chính tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng, giam chân lực lượng cơ động lớn không cho địch tập trung ứng cứu Điện Biên Phủ; cung cấp nhiều nhân lực, tài lực, vật lực cho chiến trường… Qua đó, cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nguồn: https://baohungyen.vn